Mỗi vùng miền trên đất nước ta đều có nghi thức đám cưới mang nét đặc trưng riêng, phong tục cưới hỏi miền Tây cũng vậy. Đám cưới miền Tây còn có nhiều tục lệ thú vị mà cũng rất độc đáo không phải nơi nào cũng có. Nếu bạn chưa hiểu hết về nghi lễ cưới hỏi ở vùng đất này, hãy cùng Bạch Tuyết Bridal tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé.
5 NGHI LỄ CƯỚI HỎI Ở MIỀN TÂY
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, đám cưới miền Tây được tinh giản với 3 nghi lễ chính là lễ giáp lời, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Tuy nhiên, theo phong tục xưa, có tất cả 6 nghi lễ cưới hỏi sẽ được đề cập chi tiết dưới đây:
Lễ giáp lời
Đây là một cách gọi khác của lễ dạm ngõ ở miền Tây Nam Bộ, cũng là nghi thức đầu tiên đánh dấu việc tiến hành hôn sự cho các cặp đôi. Nhà trai sẽ có cuộc gặp gỡ chính thức với nhà gái và trò chuyện, trao đổi về gia cảnh, bàn việc hôn sự cũng như định ngày cưới hỏi.
Lễ thông gia
Sau buổi giáp lời, gia đình nhà trai sẽ ngỏ lời mời nhà gái sang chơi để hiểu hơn về gia cảnh, nơi ăn chốn ở. Buổi lễ này thể hiện sự chu đáo của gia đình đàng trai, để cha mẹ cô dâu yên tâm hơn khi gả con gái cho con trai họ.
Lễ ăn hỏi
Đây là một trong những nghi thức quan trọng trong bất kỳ đám cưới nào. Ở miền Tây, lễ ăn hỏi còn được biết đến với tên gọi khác lễ đính hôn hoặc lễ đăng khoa. Nghi lễ sẽ diễn ra theo trình tự như sau: chào hỏi và trao lễ vật; thắp hương gia tiên; hai gia đình mời nước và xin hỏi cưới; cô dâu ra mắt hai bên gia đình; lễ lên đèn và lễ lại quả cho nhà trai. Kết thúc buổi lễ, nhà gái thường mở tiệc mừng mời họ hàng đến chung vui, dự bữa cơm thân mật. Nếu nhà trai ở xa, nhà gái sẽ có kế hoạch mời nhà trai dùng bữa luôn, nhưng hai gia đình cần thống nhất từ trước.
Lễ cưới
Lễ cưới là nghi lễ trang trọng và được chuẩn bị kỹ lưỡng ở cả hai nhà trai và nhà gái. Đặc biệt là phần rạp cưới, được dựng lên khá hoành tráng, tươm tất bằng những vật liệu tự nhiên như lá dừa, hoa cau, tre nứa,…với thiết kế cầu kỳ, khắc hình rồng phượng đậm chất miền Tây.
Buổi tối trước ngày cưới, họ hàng, gia đình nhà gái sẽ có mặt đông đủ để chuẩn bị mọi thứ và đặc biệt là của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng. Vào ngày cưới, theo giờ đẹp đã định, nhà trai sẽ sang nhà gái làm lễ thành hôn và rước dâu về. Thông thường, trưởng đoàn nhà trai và chú rể sẽ bưng khay trầu và khay tiệc, đoàn đón dâu phải đi theo đôi hay theo số chẵn.
Lễ phản bái
Đây cũng là một điểm độc đáo trong phong tục cưới hỏi miền Tây. Sau ngày cưới khoảng ba ngày, đôi vợ chồng trẻ sẽ trở lại nhà bố mẹ cô dâu. Bố mẹ chú rể có thể đi cùng và mang theo lễ vật là cặp vịt trống và rượu. Buổi lễ được thực hiện nhằm thể hiện lòng biết ơn, trân trọng bố mẹ cô dâu vì đã gả con gái cho con trai mình.
NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG NGHI LỄ CƯỚI HỎI MIỀN TÂY
Sính lễ cưới hỏi
Nhìn chung, sính lễ cưới vợ miền Tây nhà trai cần chuẩn bị thường theo số chẵn, từ 4 đến 12 mâm lễ hoặc có thể nhiều hơn, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Các sính lễ chính cần có bao gồm:
Mâm trầu cau: với 105 quả cau đính kèm với 210 lá trầu, mỗi quả cau đi kèm với 2 lá trầu mang ý nghĩa trăm năm hạnh phúc.
Mâm trà – rượu – nến: mâm lễ này dâng lên ông bà, gia tiên nhà gái thể hiện lòng tôn kính.
Mâm xôi gấc: tượng trưng cho sự may mắn, ấm no và tình cảm bền chặt. Nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm gà luộc hoặc heo quay.
Mâm trái cây: các loại trái cây được dùng là biểu tượng cho hôn nhân ngọt ngào, hạnh phúc, luôn đơm hoa kết trái.’
Tiền nạp tài và vàng cưới: người miền Tây tuy không có tục thách cưới, nhưng nữ trang và phong bì lễ là không thể thiếu. Phong bì lễ là khoản tiền phụ giúp nhà gái tổ chức đám cưới, còn nữ trang tùy gia cảnh nhà trai nhưng ít nhất phải có cặp nhẫn cưới và đôi bông tai, ngoài ra có thể thêm sợi dây chuyền và một chiếc lắc tay nhỏ.
Rước dâu bằng thuyền hoa
Đời sống của người dân miền Tây gắn liền với sông nước từ bao đời nay. Khi giao thông còn chưa phát triển, phương tiện di chuyển chính của bà con là ghe, thuyền nên đây cũng là phương thức rước dâu đặc trưng của vùng đất này. Ngày nay, khi hệ thống đường bộ đã phát triển và mở rộng, song nhiều gia đình vẫn lựa chọn ghe, thuyền để rước vừa mộc mạc, vừa độc đáo và góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Những chiếc ghe, thuyền được trang trí rực rỡ với nhiều hoa loài hoa, bóng bay đủ màu sắc, rộn ràng cả khúc sông quê.
Trên đây là những điểm thú vị, độc đáo trong lễ cưới miền Tây. Mong rằng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về phong tục cưới hỏi truyền thống nói chung và miền Tây nói riêng. Đừng bỏ lỡ các chia sẻ hữu ích khác của Bạch Tuyết Bridal nhé.