Lễ dạm ngõ được xem là bước tạo tiền đề cho mối quan hệ giữa nhà trai và nhà gái. Hai nhà sẽ trò chuyện và tìm hiểu về gia cảnh, điều kiện của đôi bên cũng như bàn đến chuyện trăm năm cho đôi uyên ương. Đây là một nghi lễ không quá phức tạp, nhưng vẫn cần một số thủ tục và lễ vật cần thiết để quá trình tổ chức cưới hỏi diễn ra suôn sẻ. Dưới đây là một vài kinh nghiệm tổ chức lễ dạm ngõ vô cùng hữu ích dành cho các cặp đôi, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
CÁC THỦ TỤC QUAN TRỌNG TRONG LỄ DẠM NGÕ
Chọn ngày giờ cho lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ được tổ chức khá đơn giản, không có quá nhiều nghi thức nhưng việc xem ngày giờ vẫn là điều cần thiết để hai gia đình có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhiều gia đình thường khá chú trọng khi chọn ngày tốt, giờ đẹp, hợp tuổi với cô dâu chú rể để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đồng thời, cũng là để các thành viên khác tham gia vào lễ dạm ngõ như cô, dì, chú bác,… chủ động sắp xếp thời gian hợp lý.
Chuẩn bị sính lễ dạm ngõ
Việc chuẩn bị tráp lễ sẽ do nhà trai đảm nhận để trao cho nhà gái, thay cho lời chào hỏi chính thức và ngỏ ý bàn tính chuyện trăm năm cho đôi trai gái. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình và phong tục vùng miền, mà sính lễ cũng có sự thay đổi.
Ở miền Bắc: người miền Bắc khi chuẩn bị lễ dạm ngõ thường sắm trầu cau, trà, rượu và có thể thêm một ít trái cây. Số lượng mỗi món lễ vật đều là số chẵn và thường dùng vải nhiễu đỏ phủ lên. Lễ vật có thể đơn giản nhưng không thể thiếu trầu cau, vì theo quan niệm xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Ở miền Trung: lễ vật dạm ngõ của người miền Trung thì đơn giản hơn, chỉ bao gồm khay trầu cau và một chai rượu lễ được bọc trong giấy đỏ. Ngoài ra, gia đình nhà trai còn chuẩn bị thêm một phần quà cho nhà gái là món bánh sản vật địa phương.
Ở miền Nam: vào ngày dạm ngõ, các gia đình miền Nam thường chuẩn bị một đĩa trầu được têm cánh phượng, mâm ngũ quả cùng với một cặp rượu, một cặp trà được bọc giấy đỏ lịch sự, trịnh trọng.
Số lượng tráp lễ sẽ do nhà gái yêu cầu, có thể tráp 3, tráp 5 hay tráp 7 nên nhà trai cần lưu ý để chuẩn bị cho tốt.
Dọn dẹp và trang trí nhà cửa để chuẩn bị cho lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ diễn ra tại nhà gái nên việc dọn dẹp và tân trang nhà cửa sẽ do nhà gái đảm nhận. Gia đình cần thu xếp thời gian để dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, nhưng không cần chuẩn bị phông rạp hay trang trí quá cầu kỳ.
Đối với ban thờ gia tiên, đây sẽ là nơi chú rể sẽ làm lễ, thắp hương xin phép gia tiên nên ngoài việc lau dọn, nhà gái nên chuẩn bị thêm hoa tươi, bày biện mâm ngũ quả cho tươm tất. Bên cạnh đó, nhà gái cần chuẩn bị một không gian đủ lớn, kê bàn ghế gọn gàng để đón tiếp nhà trai.
Sau cùng, tùy vào số lượng người tham dự bên nhà trai, nhà gái có thể chuẩn bị một bữa tiệc thân mật, ấm cúng để tiếp đãi nhà trai cho chu đáo.
Chuẩn bị trang phục cho lễ dạm ngõ
Những người tham dự lễ dạm ngõ chỉ cần mặc trang phục lịch sự, kín đáo và thoải mái là được. Đối với cô dâu chú rể, hai bạn không cần ăn mặc quá cầu kỳ như lễ ăn hỏi hay đám cưới. Bạn có thể chọn trang phục công sở tùy theo sở thích, nhưng nên phối đồ một cách hài hòa với nửa kia.
Đọc thêm:
TRÌNH TỰ TỔ CHỨC LỄ DẠM NGÕ
Nhà gái đón tiếp nhà trai: Vào đúng thời gian, địa điểm đã thống nhất từ trước, nhà trai sẽ tập trung đầy đủ, trang phục chỉnh tề để xin phép nhập gia nhà gái. Gia đình nhà gái sẽ chào đón nhà trai ở cổng, cử một đại diện để chào hỏi và mời gia đình nhà trai vào nhà thưa chuyện.
Giới thiệu gia đình hai bên: Sau khi hai gia đình đã ổn định chỗ ngồi, vị đại diện nhà trai sẽ thay mặt chào hỏi và giới thiệu từng thành viên tham dự lễ dạm ngõ theo vai vế. Nhà gái cũng có lời giới thiệu tương tự để hai nhà chào hỏi.
Nhà trai trình bày mục đích của buổi gặp mặt: Màn chào hỏi đã xong, tiếp đó nhà trao sẽ trình bày với nhà gái về mục đích của buổi gặp mặt, cũng như giới thiệu về lễ vật nhà trai đã chuẩn bị.
Nhà gái tiếp nhận lễ vật: Sau bài phát biểu của đại diện nhà trai, nhà gái cử đại diện tiếp nhận và đồng ý để hai bạn trẻ đi đến hôn nhân. Sau đó, cô dâu chú rể sẽ thắp hương và dâng lễ vật lên ban thờ gia tiên.
Hai gia đình bàn chuyện hôn sự: Tiếp nối câu chuyện của hai gia đình, mọi người sẽ cùng thống nhất về ngày giờ tổ chức lễ ăn hỏi và đám cưới, sính lễ cần chuẩn bị, những nguyện vọng của nhà gái để nhà trai chuẩn bị.
Hai gia đình dùng bữa cơm thân mật: Sau khi kết thúc lễ dạm ngõ, nhà gái sẽ có lời mời gia đình nhà trai ở lại dùng bữa. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, nhà gái có thể chỉ mời nước, hoa quả và bánh kẹo không nhất thiết phải mời dùng cơm.
Mong rằng bài viết trên đã giúp các cặp đôi có được sự chuẩn bị tốt nhất, tránh những bỡ ngỡ ban đầu và tạo được bầu không khí thân mật giữa hai gia đình. Chúc hai bạn có một khởi đầu suôn sẻ để làm tiền đề cho hôn sự về sau.