Trong bối cảnh hiện đại hóa như ngày nay, phong tục cưới hỏi dần được tinh giản hơn so với ngày trước rất nhiều. Tuy nhiên, các nghi lễ đặc trưng, thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt và mang ý nghĩa tốt đẹp vẫn được gìn giữ đến ngày nay. Cùng Bạch Tuyết Bridal tìm hiểu về trình tự các nghi lễ cưới hỏi theo truyền thống qua bài viết dưới đây nhé.
NGHI LỄ TRƯỚC NGÀY CƯỚI
Lễ dạm ngõ
Có thể nói, đây là nghi lễ đầu tiên trong các nghi thức cưới hỏi nhằm xác lập mối quan hệ chính thức giữa nhà trai và nhà gái. Nói cách khác, lễ dạm ngõ là dịp hai gia đình gặp gỡ, đặt vấn đề về việc cho đôi uyên ương được tự do qua lại và tìm hiểu nhau một cách kỹ lưỡng trước khi tiến tới hôn nhân. Buổi lễ tuy không cần chuẩn bị lễ vật cầu kỳ, nhưng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự chu toàn và trách nhiệm của hai bên gia đình cho hạnh phúc lứa đôi. Sau nghi lễ này, cặp đôi được xem như đã có nơi có chốn.
NGHI LỄ TRONG NGÀY CƯỚI
Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi hay còn được gọi là lễ đính hôn, là nghi lễ quan trọng đối với hai bên gia đình như lời thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ. Sau khi hai bên gia đình đã thống nhất ngày lành tháng tốt, nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật sang nhà gái. Các thủ tục khác của lễ ăn hỏi sẽ diễn ra tại đây như thắp hương, làm lễ gia tiên, chào hỏi quan viên hai họ, mời trầu và nước cho quan khách.
Về phần lễ vật, ở mỗi vùng miền sẽ có phong tục khác nhau. Đối với miền bắc, nhà trai cần chuẩn bị lễ vật theo số lẻ như 7,9 hay 11 lễ tùy hoàn cảnh mỗi gia đình. Trong khi đó, tại miền Nam, số lễ cần chuẩn bị thường là số chẵn. Về cơ bản, một số lễ vật không thể thiếu bao gồm trầu cau, rượu thuốc, bánh kẹo, hoa quả,… Các tráp lễ vật sẽ được bưng bê bởi các nam thanh, nữ tú chưa có gia đình theo số lượng lễ vật tương ứng.
Lễ xin dâu
Đây là một nghi thức nhỏ và được thực hiện trước khi cô dâu chính thức về nhà chồng. Nhà trai sẽ cử đại diện, thường là mẹ chú rể cùng với một người thân trong gia đình xin phép nhà gái đưa cô gái về làm dâu nhà mình. Nghi lễ này là biểu hiện cho sự tôn trọng và chu đáo của nhà trai đối với nhà gái. Mẹ cô dâu sau khi nhận lễ vật, sẽ thắp hương gia tiên như lời chấp thuận.
Lễ rước dâu
Lễ rước dâu được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục cưới hỏi. Chú rể sẽ đón cô dâu bằng lễ vật và hoa cưới. Theo truyền thống, tại nhà gái, hai bên gia đình trao lễ vật và của hồi môn cho đôi uyên ương như một lời chúc phúc cho hôn nhân viên mãn và hạnh phúc.
Sau đó, chú rể sẽ đón cô dâu về nhà và tiếp tục lễ thành hôn. Trong buổi lễ quan trọng này, cặp đôi sẽ trao nhẫn cưới cho nhau. Chiếc nhẫn được ví như lời cam kết về sự gắn bó, yêu thương và đồng hành của cặp đôi cho đến cuối đời. Nghi lễ này được thực hiện dưới sự chứng kiến và chúc phúc của gia đình, người thân, bạn bè, làng xóm của cô dâu chú rể.
NGHI LỄ SAU CƯỚI HỎI
Lễ lại mặt
Đây là nghi thức cưới hỏi cuối cùng, tuy không còn quá phổ biến nhưng nhiều gia đình vẫn giữ gìn nét văn hóa này. Sau đám cưới một vài ngày, nàng dâu mới sẽ cùng chồng trở về nhà bố mẹ đẻ của mình cùng một vài lễ vật đơn giản do nhà trai chuẩn bị như bánh kẹo, rượu thuốc, xôi, gà,… Đây là dịp để cha mẹ cô dâu chia sẻ, động viên con gái về trách nghiệm của mình trong vai trò mới. Đồng thời, nghi lễ này thể hiện lòng biết ơn của cô dâu đối với cha mẹ về công lao sinh thành, nuôi dưỡng cũng như lòng thành kính của chú rể đối với bố mẹ vợ. Ngày nay, lễ lại mặt được thay thế bằng các hình thức khác, thoải mái hơn và không quá đặt nặng về mặt lễ nghi.
Trải qua nhiều biến đổi về kinh tế, chính trị và xã hội, song các nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt nói trên vẫn được gìn giữ và phát huy. Bởi đây cũng thể hiện phần nào giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cũng như những ý nghĩa quan trọng về dịp trọng đại của cuộc đời mỗi người.
- Đọc thêm: Chụp ảnh cưới In wedding